Chẩn Đoán Lâm Sàng Trong Thú Y | Vetshop.VN


Chẩn Đoán Lâm Sàng Trong Thú Y

Đăng bởi: | ngày: 10.3.13 Bình luận cho bài viết! | In bài này
Ảnh minh họa

I. Phương pháp nghe (Ausaltatio) trong thú y

Phương pháp nghe dùng để khám hoạt động của các khí quan trong cơ thể như tim, phổi, dạ dày, ruột v.v...để biết được hoạt động của các tổ chức trên. Có hai cách:

1) Nghe trực tiếp: 

Nghe trực tiếp tai đặt sát vào gia súc để nghe. Có thể phủ trước 1 miếng vải đen để tránh bẩn. Nghe phần trước thì mặt người khám quay về phía đầu gia súc, tay để lên sống lưng làm điểm tựa; nghe phần sau thì mặt người khám quay lại sau gia súc.

2) Nghe gián tiếp: 

Đây là phương pháp được dùng phổ biến trong thú y. Nghe gián tiếp dùng các loại ống nghe. Loại ống nghe gọng cứng, một loa nghe có ưu điểm là không làm thay đổi âm hưởng, không có tạp âm. Nhưng nhược điểm là không thuận tiện, độ phóng âm bé, hiện nay ít dùng. Loại ống nghe hai loa có độ phóng âm lớn, sử dụng thuận lợi hơn, hiện được dùng rộng rãi trong thú y. Nhược điểm của loại ống nghe này là làm thay đổi tính chất âm hưởng, dễ lẫn tạp âm.

Chú ý: chỗ nghe trong nhà hoặc ngoài bãi chăn thả phải yên tĩnh, gia súc phải đứng im. Loa nghe đặt sát bề mặt thân gia súc để tránh tạp âm, có thể dùng khăn ướt chùi cho lông sát xuống để nghe được dễ dàng.

II. Phương pháp gõ (Percussio) trong thú y

Phương pháp gõ
Phương pháp gõ.
Các khí quan, tổ chức trong cơ thể động vật có cấu tạo về mặt giải phẫu và tổ chức khác nhau. Vì vậy khi gõ vào các cơ quan tổ chức đó âm hưởng thu đuợc cũng khác nhau. Lúc có bệnh, tính chất của tổ chức thay đổi thì âm hưởng phát ra lúc gõ cũng thay đổi. Tuỳ theo thể vóc của gia súc to hay nhỏ, có thể gõ theo các cách sau:

1) Gõ trực tiếp 

Áp dụng cho gia súc nhỏ như chó, mèo và động vật cảnh. Các ngón của tay phải co lại và gõ theo hướng thẳng góc với bề mặt của tổ chức hay khí quan cần khám. Cách này, lực gõ không lớn, âm phát ra yếu.

2) Gõ gián tiếp 

Qua một vật trung gian áp dụng cho tiểu gia súc và đại gia súc.
Có hai cách:
  • Gõ qua ngón tay: ngón giữa và ngón trỏ của tay trái đặt sát bề mặt của cơ thể, ngón giữa của tay phải gõ lên theo một góc vuông. Chú ý: tập gõ từ cổ tay, không gõ cả cánh tay. Gia súc nhỏ như chó, mèo, dê, cừu, thỏ...thì gõ theo cách này.
  • Gõ có búa và bản gõ( phiến gõ), tức là thay ngón tay gõ bằng búa và đệm bằng bản gõ. Phiến gõ bằng gỗ, sừng, nhựa hay kim loại; hình vuông, hình tròn dài; có loại cong hai đầu, thẳng ở giữa; có loại bẻ gấp khúc ở giữa 2 đầu thẳng, yêu cầu sao cho cầm dễ dàng, gõ thuận lợi.
Búa gõ nhẹ khoảng 60 – 70 g dùng để gõ tiểu gia súc; loại nặng 120-160 g để gõ gia súc lớn.
Lúc gõ tay trái cầm bản gõ đặt sát bề mặt trên thân gia súc, tay phải cầm búa gõ; gõ hai cái một đều tay.

Tuỳ theo tổ chức cần gõ rộng hay hẹp, nông hay sâu mà gõ mạnh hay yếu. Gõ mạnh có thể gây chấn động lan trên bề mặt cơ thể từ 4 – 6 cm; sâu đến 7 cm; gõ nhẹ chỉ gây chấn động lan 2 – 3 cm, sâu 4 cm.

Khi gõ để chẩn đoán bệnh, nên để gia súc trong phòng rộng vừa phải, cửa đóng là thích hợp nhất. Để gia súc ngoài trời hay trong phòng quá bé thì âm gõ thu được không chính xác, hiệu quả chẩn đoán bệnh thấp.

Gia súc nhỏ để đứng, loại bé để nằm. Bản gõ phải để sát bề mặt cơ thể, không để không khí lọt vào giữa làm âm gõ thay đổi.
Bản gõ và búa gõ phải thẳng góc với nhau để âm phát ra gọn và rõ.

Những âm gõ: Tuỳ tính chất, âm gõ được chia thành các loại:
  1. Âm trong vang mạnh, âm hưởng dài. Tính chất của tổ chức quyết định âm phát ra khi gõ trong hay đục. ở cơ thể gia súc khoẻ, gõ vào vùng phổi hay vùng manh tràng của ngựa thu được âm trong.
  2. Âm đục chắc gọn khi gõ vùng gan, tổ chức cơ bắp . Khi có bệnh, những khí quan hay tổ chức vốn xốp đặc lại, lượng khí trong đó ít đi hoặc bị đẩy ra hết, đàn tính của tổ chức mất, thì âm gõ từ âm trong chuyển sang âm đục. Ví dụ: khi trâu bò bị viêm phổi thuỳ, các thuỳ lớn của phổi bị gan hoá khi gõ vào nền phổi thu được âm đục tập trung, khi gia súc bị viêm phổi đốm gõ vào nền phổi thu được âm đục phân tán. Ngược lại, nếu tổ chức phổi vốn đặc do bệnh mà chứa nhiều khí thì âm gõ sẽ chuyển từ đục sang âm bùng hơi.
  3. Âm trống là âm nghe to nhưng không vang, như lúc gõ vào tổ chức chứa khí của cơ thể. ở cơ thể gia súc khoẻ, gõ vào vùng dạ cỏ, vùng manh tràng sẽ có âm trống.

III. Phương pháp sờ nắn (Palpatio) trong thú y

Người khám dùng tay sờ nắn vào cá bộ phận cơ thể gia súc bị bệnh để biết nhiệt độ, độ ẩm, độ cứng và độ mẫn cảm của tổ chức cơ thể gia súc. Sờ nắn để bắt mạch, đo huyết áp, khám trực tràng là phương pháp thường dùng trong thú y.

Sờ nắn phần nông như để biết nhiệt độ của da, lực căng của cơ. Sờ vùng tim để biết độ mẫn cảm… Dùng đầu ngón tay ấn nhẹ từ phần này sang phần khác.

Sờ sâu để khám các khí quan sâu. Ví dụ như sờ nắn dạ cỏ loài nhai lại để biết tính chất thức ăn trong dạ cỏ. Khi dạ cỏ bị bội thực, thức ăn trong dạ cỏ chắc như túi bột. Khi dạ cỏ bị chướng hơi sờ vào dạ cỏ như sờ vào quả bóng bơm căng.

Sờ nắn tổ chức hay khí quan, tuỳ theo cảm giác ở tay có thể có những trạng thái sau:
  • Dạng cứng như lúc sờ vào gan, cơ.
  • Dạng rất cứng như sờ vào xương.
  • Dạng ba động: sờ có cảm giác lùng nhùng, ấn mạnh vào giữa thì lõm xuống, có cảm giác như di động. Thường do tổ chức thấm đầy nước, đàn tính của tổ chức mất, như các tổ chức bị nung mủ, phù tích nước, vỡ mạch lâm ba.
  • Dạng khí thũng: sờ vào tổ chức chứa đầy khí. Dùng tay ấn mạnh vào tổ chức kêu lép bép do khí lấn vào tổ chức bên cạnh. Dạng khí thũng có thể do tổ chức có những túi khí hoặc các khí khác tích lại trong đó. Gặp trong bệnh ung khí thán của trâu, bò, lợn; bệnh vỡ vai trâu bò; bệnh phạm yên ở ngựa.
Sờ nắn là một phương pháp đơn giản. Nếu nắm chắc vị trí giải phẫu, thực hiện phương pháp khám thành thạo thì kết quả thu được qua sờ nắn giúp ích nhiều trong chẩn đoán bệnh.
Phương pháp quan sát trong khám bệnh cho gia súc

IV. Quan sát - nhìn ( Inspectio): 

Là phương pháp khám bệnh đầu tiên, đơn giản nhưng rất có hiệu quả cao. Phương pháp này được sử dụng rộng rãi trong Thú y.
  1. Quan sát trạng thái gia súc, cách đi lại, tình trạng niêm mạc, da, lông và các triệu chứng bệnh.
  2. Quan sát để đánh giá chất lượng đàn gia súc tốt hay xấu, phát hiện những con bệnh hoặc con xấu trong đàn để điều trị hoặc loại thải.
  3. Quan sát để phát hiện những bộ phận nghi mắc bệnh trên cơ thể, trạng thái, phạm vi tổ chức bệnh v.v…Khi cần thiết phải dùng dụng cụ để quan sát.
Tuỳ theo mục đích và vị trí cần quan sát mà đứng xa hay gần gia súc. Nên rèn luyện thành thói quen quan sát từ xa tới gần, từ tổng quát đến bộ phận.

Người khám bắt đầu từ vị trí phía trước bên trái, cách gia súc khoảng 2-3 mét, rồi lùi dần về phía sau gia súc. Quan sát tinh thần gia súc, thể cốt, tình trạng dinh dưỡng v.v…sau đó đến lần lượt các bộ phận: đầu, cổ, lồng ngực, vùng bụng và bốn chân. Quan sát so sánh sự cân đối hai bên mông, hai thành bụng, ngực, các khớp chân hai bên, các bắp cơ hai bên thân… Lúc cần thiết cho gia súc đi vài bước để quan sát.

Nguồn: Chẩn Đoán Bệnh Thú Y




Đăng ký nhận bài viết qua Email!

In bài nàyIn bài này Tải xuống dạng PDFTải định dạng PDF


Bản tin mới nhất

Download Tài Liệu CN-TY

 
Trang chủ | Về đầu trang ↑
Vetshop.VN® được thành lập năm 2013
Bản tin chăn nuôi | Chăm sóc chó mèo | Chẩn đoán bệnh | Bệnh trên heo | Bệnh chó mèo | Bệnh gà | Bệnh trâu bò
Thuốc thú y | Dụng cụ chăn nuôi | Thiết bị thú y | Tài liệu chăn nuôi thú y |
Quy trình chăn nuôi | Kỹ thuật thú y | Nuôi thú cưng | Thiết bị chuồng trại | Dụng cụ thú y | Kỹ thuật chăn nuôi | Sách chăn nuôi thú y