Bệnh Phó Thương Hàn Trên Heo (Salmonellosis) | Vetshop.VN


Bệnh Phó Thương Hàn Trên Heo (Salmonellosis)

Đăng bởi: | ngày: 3.4.13 Bình luận cho bài viết! | In bài này
Heo cai sữa bị thương hàn thể mãn tính.
Heo cai sữa bị thương
hàn thể mãn tính.
Bệnh Phó Thương Hàn ở heo là một bệnh truyền nhiễm cấp tính chủ yếu ở heo sau cai sữa (10 - 16 tuần tuổi) do vi khuẩn Salmonella gây ra có triệu chứng điển hình là bại huyết hoặc kèm thêm rối loạn tiêu hóa, hô hấp, ở heo nái gây sẩy thai…

Hình dáng nuôi cấy của vi khuẩn Salmonella: trực khuẩn hình gậy ngắn hai đầu tròn, gram âm, không nha bào, không giáp mô, di động, dễ nuôi cấy.

Sức đề kháng yếu: sống sót kém ở pH < 5, và chết ở 60OC trong vòng 20 phút, dưới ánh sáng 5h chết .

1. Truyền nhiễm học

a) Chất chứa vi trùng

  • Heo bệnh thể cấp: máu, chất tiết, phủ trạng đều có vi khuẩn.
  • Heo khỏe: trong ruột, túi mật vẫn có thể có vi khuẩn.

b) Đường xâm nhập

Đường tiêu hóa: do heo ăn thức ăn, nước uống bị nhiễm phân, đất có chứa vi trùng hoặc do vi trùng có sẵn trong thức ăn ( Bột cá) .

Các loài gặm nhấm ( Chuột ) cũng truyền mầm bệnh vào khu vực chăn nuôi qua sự bài thải phân của chúng.

Sinh sản: mẹ truyền qua nhau, từ nhau truyền qua con.

c) Cách thức sinh bệnh

Thời kỳ nung bệnh từ 3-6 ngày, có khi kéo dài đến tuần lễ hay một tháng tùy thuộc số lượng vi khuẩn xâm nhập, độc lực của vi khuẩn và sức đề kháng của cơ thể.Vi khuẩn có thể có sẵn trong đường tiêu hóa khi sức đề kháng giảm sẽ gây bệnh.

Salmonela thường xâm nhập qua hạch ruột dẫn đến nhiễm trùng huyết và gây hoại tử cục bộ (ruột, gan, lách). Trên niêm mạc ruột gây viêm ruột xuất huyết.

Salmonela thường xâm nhập vào nang lâm ba ruột già gây hoại tử và hình thành các nốt loét trên niêm mạc ruột. Ít khi gây nhiễm trùng huyết.

2. Triệu chứng 

Phân lỏng, màu vàng.

Thể bại huyết: 

Sốt cao, da đỏ (đặc biệt ở đầu nút như mõm, tai) chết trong vòng 1-2 ngày.

Thể cấp tính:

  • Sốt 41,5 – 42 0C, kém ăn hoặc không ăn, không bú. Tiếp theo triệu chứng tiêu hóa xuất hiện: táo bón, nôn mửa sau đó ỉa chảy, phân lỏng, màu xám hoặc màu vàng có khi có vệt máu.
  • Thở khó, ho, tim đập yếu. cuối thời kỳ da tụ máu thành nốt đỏ, sau tím xanh ở tai, bụng, mặt trong đùi, ngực.
  • Bệnh tiến triển trong 2-4 ngày. Heo gầy ốm, mất nước và chết.

Thể mãn tính (độc lực thấp)

  • Triệu chứng ít rõ ràng, ăn uống kém, chậm lớn, thiếu máu da xanh, thường thấy tiêu chảy ( phân lỏng, màu xám hoặc màu vàng, thối), ỉa chảy kéo dài.
  • Thở khó, ho sau khi vận động.
  • Đi đứng khó khăn (viêm khớp).
  • Bệnh trong vòng vài tuần, chết độ 25 - 75%, có thể khỏi bệnh nhưng chậm lớn.
  • Heo nái bị sẩy thai ở các thời kỳ khác nhau (tùy độc lực của mầm bệnh). Heo sơ sinh yếu dễ chết, nếu sống thì còi cọc, da bong vẫy.

3. Bệnh tích 

Ruột bị viêm có những nốt hoại tử, hạch ruột triển dưỡng
Ruột bị viêm có những nốt hoại tử, hạch ruột triển dưỡng   

Thể cấp:

        + Lách: tăng sinh to ra.
        + Hạch: sưng, mềm, đỏ, có xuất huyết.
        + Thận: xuất huyết bề mặt.
        + Gan: tụ huyết, có nốt hoại tử bằng hạt kê
        + Niêm mạc dạ dày, ruột viêm đỏ, có xuất huyết hoặc loét.
        + Phổi: tụ huyết hoặc viêm.

Thể mãn:

        Bệnh tích chủ yếu ở dạ dày, ruột.
        + Dạ dày: niêm mạc viêm đỏ từng đám.
        + Ruột già, hồi tràng: có mụn loét do các ổ lâm ba bị viêm, tụ máu rồi hoại tử. Quanh nốt loét có màu vàng xanh hay xám.
        + Lách: không sưng, đôi khi thấy những khối hoại tử bằng quả mận.
        + Hạch lâm ba ruột sưng to, có bã đậu xanh hay xuất huyết.
        + Gan: nốt hoại tử to bằng hạt kê.
        + Phổi: viêm, có vùng có bã đậu.
        + Xương: đôi khi thấy có nốt hoại tử.

4. Phòng bệnh.

a) Vệ sinh phòng bệnh

Chuồng trại phải luôn khô ráo, sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại tốt để giảm bớt số lượng vi khuẩn gây bệnh ở môi trường.

Tăng cường sức đề kháng cho heo bằng cách pha nước cho uống thêm dung dịch vitamin, khoáng, chất điện giải rất dễ mua tại các cửa hàng thuốc thú y.
Sát trùng chuồng trại định kỳ.
  • Thực hiện theo nguyên tắc cùng vào cùng ra.
  • Cần quản lý chặt chẽ công nhân, trước khi vào chuồng phải vệ sinh sát trùng sạch sẽ.
  • Sát trùng trong và ngoài trại, dụng cụ chăn nuôi.
  • Thực hiện tốt cả 3 khâu: chống lạnh, chống ẩm và chống bẩn để chuồng trại thoáng mát mùa hè, ấm mùa đông.
  • Theo dõi nhiệt độ trong chuồng hàng ngày.
  • Khi trời nóng chuồng phải thông thoáng và có hệ thống làm mát trong chuồng.
  • Trong mùa lạnh này cần chú ý che chắn hướng gió lùa, chủ yếu là gió bấc (gió lạnh ở hướng Bắc hoặc hướng Đông Bắc).
  • Không nên hoặc hạn chế tắm, dội rửa chuồng heo trong mùa lạnh này, khi cần thiết chỉ nên dọn rửa vệ sinh những chỗ dơ vào lúc nắng ráo và cũng không nên dội rửa toàn bộ chuồng vì sẽ gây lạnh, ẩm rất bất lợi cho heo.
Do lây chủ yếu qua đường tiêu hóa nên thức ăn nước uống phải sạch, đầy đủ nguồn dưỡng chất. Đặc biệt cần chú ý bột cá dễ nhiễm Salmonella do đó phải chọn nguồn bột cá tốt hoặc có thể thay thế bột cá bằng các sản phẩm thay thế khác.

b) Phòng bệnh bằng vaccine

Tiêm cho heo con, ở những nơi gây nhiễm không cao thì tiêm phòng vào lúc 2 tháng tuổi. Đối với những nơi dịch có khả năng uy hiếp đàn heo thì 1 tháng tuổi có thể tiêm ½ liều nhưng nhất thiết ở 2 tháng tuổi phải tiêm lại.

Tóm lại: một qui trình phòng ngừa bệnh Phó Thương Hàn được hoàn chỉnh khi các khâu quản lý và chăm sóc đàn heo được thực hiện với mục đích cuối cùng là tạo nên điều kiện bất lợi cho Salmonella xâm nhiễm từ bên ngoài, và đặc biệt là hạn chế sự phát triển của Salmonella ngay trong đường ruột của heo.

5. Điều trị

Heo bị tiêu chảy dễ suy nhược và chết chủ yếu là do bị mất nước. Do đó quan trọng nhất trong điều trị là phải bù lại lượng nước và các khoáng chất của cơ thể bị mất do tiêu chảy nặng.
        + Cấp bù lại lượng nước cho heo bệnh bằng cách pha nước cho uống tự do dung dịch điện giải (Orezol hoặc Electrolytes).
       + Trường hợp heo nhỏ hoặc suy nhược nặng có thể chích vào xoang bụng dung dịch Glucose 5%.

Hầu hết các trường hợp tiêu chảy đều do đường ruột bị bất thường, khả năng tiêu hóa và hấp thu bị hạn chế, hệ vi sinh vật đường ruột bị rối loạn. Vì vậy, việc sử dụng kháng sinh để can thiệp khi heo bị tiêu chảy phải thận trọng, hạn chế các tác động làm cho đường ruột ngày càng xấu hơn. Dùng các kháng sinh nhạy cảm với vi trùng Salmonella như Gentamycin, Norfloxacin, Enrofloxacin, Colistin, Peniciline... để điều tri. Mặt khác khi sử dụng kháng sinh để điều trị tiêu chảy cho heo cần chú ý một số điểm sau:
  • Không nên sử dụng kháng sinh liên tục trong nhiều ngày.
  • Không nên tiêm quá nhiều những loại kháng sinh khác nhau trong quá trình điều trị cho heo.
  • Không nên dùng liều kháng sinh cao vì dễ gây sốc cho heo mắc bệnh .
Chăm sóc: phải luôn giữ chuồng khô ráo và ấm áp và khi tiêu chảy 1 ml phân thải ra môi trường có chứa hàng tỷ vi khuẩn Salmonella, vì thế việc sử dụng các hóa chất sát trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi là rất cần thiết.
  • Có thể 3 ngày phải sát trùng chuồng trại một lần bằng các chất sát trùng thông thường.
  • Dùng nước sát trùng như Javen hay Chlorin, bằng cách tăng nồng độ Javen, Chlorin thật cao (2-3 ‰) trong nước rữa chuồng tắm cho heo lúc đó sẽ diệt được ổ manh trùng vi khuẩn Salmonella ở trong phân và khắp nơi trong chuồng.
Dùng chế phẩm chứa vi sinh vật có lợi giúp heo con ổn định vi sinh vật đường ruột sau tiêu chảy.



Đăng ký nhận bài viết qua Email!

In bài nàyIn bài này Tải xuống dạng PDFTải định dạng PDF


Bản tin mới nhất

Download Tài Liệu CN-TY

 
Trang chủ | Về đầu trang ↑
Vetshop.VN® được thành lập năm 2013
Bản tin chăn nuôi | Chăm sóc chó mèo | Chẩn đoán bệnh | Bệnh trên heo | Bệnh chó mèo | Bệnh gà | Bệnh trâu bò
Thuốc thú y | Dụng cụ chăn nuôi | Thiết bị thú y | Tài liệu chăn nuôi thú y |
Quy trình chăn nuôi | Kỹ thuật thú y | Nuôi thú cưng | Thiết bị chuồng trại | Dụng cụ thú y | Kỹ thuật chăn nuôi | Sách chăn nuôi thú y