Chăm Sóc Heo Nái Trong Thời Gian Sinh Và Nuôi Con (Phần 2) | Vetshop.VN


Chăm Sóc Heo Nái Trong Thời Gian Sinh Và Nuôi Con (Phần 2)

Đăng bởi: | ngày: 7.8.13 Bình luận cho bài viết! | In bài này
Heo nái khỏe là chìa khóa  thành công cho trang trại.
Heo nái khỏe là chìa khóa
thành công cho trang trại.

Khẩu phần của heo nái trong giai đoạn nuôi con: 

Nái không cần ăn trong 12 - 24 tiếng sau khi sinh nhưng luôn luôn cần nước uống. Khẩu phần đầu tiên của heo nái sau khi sinh nên vào khoảng 1 - 1,5kg thức ăn nhuận trường; tăng dần lượng thức ăn cho nái đến mức ăn tối đa sớm nhất có thể sau khi sinh. Có thể  cho heo nái ăn nhiều vào ngày sinh. Nhóm nái gầy sau khi sinh sẽ hồi phục tốt hơn nếu được cho ăn nhiều ngay sau khi sinh.
Những heo nái nuôi nhiều heo con cần rất nhiều dinh dưỡng trong giai đoạn nuôi con. Nhu cầu này tùy thuộc vào tỉ lệ năng lượng trong khẩu phần và số ngày nuôi con, nếu heo nái được phối ở lần lên giống đầu tiên sau cai sữa. Thông thường nái sẽ lên giống lại sau 3 - 7 ngày cai sữa, trong trường hợp khi nuôi con nái bị hao hụt trọng lượng quá mức, quá trình lên giống lại sẽ chậm trễ. Việc bổ sung chất béo vào khẩu phần của nái mang thai ở giai đoạn cuối và ở giai đoạn nuôi con, giúp cải thiện năng suất của nái và heo con.
Nhiều thí nghiệm được thực hiện để đánh giá lại hiệu quả kinh tế của các chương trình thức ăn cho nái giai đoạn nuôi con. Thông thường, nái có thể hao hụt trọng lượng trong quá trình nuôi con mà không ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của heo con hoặc hiệu quả phối giống. Nếu nái phải nuôi ít hơn 8 heo con thì có thể sử dụng khẩu phần duy trì cơ bản (khoảng 3kg thức ăn/ngày) và bổ sung thêm phần thức ăn nuôi con khoảng 0,25kg cho mỗi heo con. Không cần thiết phải giảm lượng thức ăn của nái trước khi cai sữa. Bất kỳ một lượng thức ăn như thế nào, quá trình tạo sữa sẽ chấm dứt khi đến giai đoạn ngưỡng sinh lý.
Nên thúc cho nái, sau khi sinh, đứng dậy 2 - 3 lần mỗi ngày. Điều này kích thích nái tiêu thụ thức ăn và nước uống, tăng loại thải chất bài tiết và tạo cơ hội quan sát cho người quản lý. Một vài nái có thể cần tập vận động ở khu vực ngoài trại đẻ.

Thức ăn của heo con trong giai đoạn theo mẹ: 

Sữa của heo mẹ không chứa đủ sắt cho heo con. Heo con phải được cung cấp sắt trong 3 - 4 ngày đầu sau khi sinh để tránh bệnh thiếu máu. Có thể cung cấp sắt cho heo con bằng cách cho chúng sử dụng đất sạch, tiêm sắt (tiêm dextran sắt vào đùi hoặc cơ vùng cổ), hoặc trộn sắt với các loại khoáng chất khác cho heo con ăn. Khi heo con được 1 tuần tuổi, bắt đầu cho chúng sử dụng cám tập ăn (khoảng 20% đạm) (prestarter, starter) trong máng tập ăn.
Thông thường, heo con dễ làm quen hơn với cám prestarter. Một ít cám tập ăn trộn chung với đất sạch sẽ kích thích heo con tiêu thụ thức ăn sớm hơn.
Sau khi heo con quen với thức ăn dạng cứng, chuyển sang cấp cám starter (khoảng 18% đạm) cho đến khi heo đạt trọng lượng khoảng 12 - 15kg. Sau đó, có thể chuyển sang sử dụng cám rẻ tiền hơn (16% đạm). Phải luôn luôn cấp nước sạch cho heo con ngay cả trước khi chúng sử dụng thức ăn khô.

Kiểm soát các vấn đề sức khỏe: 

Nên cẩn thận chăm sóc nái vài ngày đầu sau khi sinh. Khi phát hiện heo náo có các biểu hiện: giảm tính ngon miệng, mệt mỏi, thờ ơ chăm sóc heo con ... thì cần đưa ra biện pháp điều trị phù hợp. Phòng tránh những biểu hiện này sẽ giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh và giảm mức độ nghiêm trọng của hội chứng MMA.
Nếu chẳng may, nái mắc hội chứng MMA thì nên có một chương trình điều trị và phòng bệnh dựa trên sự tư vấn của bác sĩ thú y và các chương trình quản lý. Giải quyết tương tự với các bệnh: viêm teo xoang mũi truyền nhiễm, viêm dạ dày ruột truyền nhiễm (TGE), parvorirus (SMEDI) và viêm phổi do Mycoplasma. Kiểm tra tình trạng hoạt động của ruột, chủ động phát hiện bệnh bằng cách thường xuyên kiểm tra nhiệt độ trực tràng, nếu phát hiện nái sốt thì cần can thiệp ngay.

Phòng bệnh

Mặc dù hiện nay đã có nhiều phương pháp thuận lợi để chuẩn đoán và phòng ngừa một số bệnh nhưng nái và bầy heo con của mình vẫn có thể bị mắc các bệnh hiện có. Hầu hết, những người chăn nuôi thành công đều có kế hoạch quản lý nhằm cắt đứt sự truyền lây bệnh trong các thời điểm nhạy cảm. Cách ly tối đa nái và nái tơ khỏi các loài gặm nhấm, mèo, chó, con người và các heo mới nhập đàn về là biện pháp hữu hiệu. Hơn nữa, phải cẩn thận làm vệ sinh và khử trùng các trang thiết bị chăn nuôi. Vệ sinh heo nái trước khi đưa về trại đẻ cũng là một biện pháp giúp kiểm soát các bệnh truyền nhiễm. Quản lý heo nái và đảm bảo heo con được tiêu thụ sữa non tối đa là biện pháp rất quan trọng cho sự phát triển tốt của heo con.
Nếu trại heo ở khu vực chăn nuôi heo nhiều, cần thực hiện đầy đủ các chương trình vắc xin. Điều này là cần thiết vì trong suốt năm không thể tránh khỏi stress và khả năng sống cao của tác nhân gây bệnh. Một vài bệnh cần phòng bệnh bằng cách tiêm phòng vắc xin như: viêm dạ dày ruột nhiềm nhiễm (TGE), đóng dầu son (Erysipelas), bệnh do Leptospira (5 chủng), một vài bệnh địa phương như bệnh giả dại Aujeszky (Pseudorabies), bệnh do E.coli. Hiện tại, cũng đã có vắc xin phòng bệnh viêm teo xoang mũi truyền nhiễm. Một số lượng lớn heo con bị đe dọa bởi các bệnh gây rối loạn đường ruột. Phương pháp phòng bệnh tốt nhất có thể là hạn chế các tác nhân gây stress như gió lùa, lạnh, ẩm độ cao, khu vực nuôi nhốt vệ sinh kém. Một số trại chăn nuôi có tình hình nghiêm trọng về bệnh đường ruột đã thực hiện chương trình auto vắc xin để phòng các bệnh đường ruột.

Kế hoạch làm việc

  1. Tuần đầu sau cai sữa - phối giống.
  2. Ba tuần trước khi sinh - điều trị nội, ngoại kí sinh trùng.
  3. Một tuần trước khi sinh - điều trị nội và ngoại kí sinh trùng lặp lại.
  4. Ngày mang thai thứ 110 - làm vệ sinh cho nái, sau đó di chuyển nái đến trại đẻ; bắt đầu sử dụng khẩu phần dễ tiêu hóa, nhiều chất xơ.
  5. Từ ngày 111 đến khi sinh - theo dõi dấu hiệu  nái sinh để hỗ trợ, can thiệp kịp thời.
  6. Chăm sóc đặc biệt cho những con heo yết ớt, heo nhẹ cân và cho các bầy có số lượng heo con sinh ra nhiều. Chú ý quan sát biểu hiện của heo nái và bầy heo con.
  7. Hỗ trợ nái ăn được tối đa thức ăn sớm nhất có thể sau khi sinh.
  8. Loại thải những con nái cai sữa có năng suất sinh sản thấp, hung hăn và những yếu tố kinh tế khác.
Tóm tắt
  1. Thực hiện và duy trì chương trình phòng bệnh, chương trình duy trì sức khỏe cho đàn heo ở tất cả mọi thời điểm nhằm bảo vệ heo nái và bầy heo con sau khi sinh.
  2. Điều trị nội và ngoại kí sinh trùng đủ 2 lần trong khoảng thời gian đề nghị sớm nhất (tùy theo từng sản phẩm) trước khi di chuyển nái sang trại đẻ.
  3. Căn cứ vào ngày phối giống, dự đoán ngày sinh, cẩn thận quan sát biểu hiện của nái ở những ngày mang thai cuối, đảm bảo nái phải được di chuyển đến trại đẻ vào ngày mang thai 110. Ghi chép dữ liệu sản xuất của nái nhằm tạo nguồn thông tin hỗ trợ loại thải hay chọn lọc sau này.
  4. Từ ngày mang thai 110, khẩu phần thức ăn của nái phải có tính nhuận trường. Loại bỏ những thành phần thức ăn khó tiêu hóa trong khẩu phần sau khi sinh.
  5. Nái thường sẽ sinh trong vòng 24 giờ sau khi vú có sữa. Một vài biểu hiện của nái trước khi sinh như bồn chồn, dễ bị kích động, một vài cá thể có biểu hiện hung dữ.
  6. Thời gian sinh thông thường là ít hơn 1 giờ hoặc có thể dài hơn 5 giờ. Tiêm oxytocin có thể rút ngắn thời gian sinh nhưng chỉ nên sử dụng trong trường hợp nái đã sinh được ít nhất 1 con heo, không nên sử dụng oxytocin trong trường hợp có dấu hiệu heo con bị mắc kẹt trên đường ra.
  7. Chăm sóc heo nái lúc sinh để phòng tránh các trường hợp heo con chết do tổn thương, bị cắn, nghẹt thở và yếu.
  8. Can thiệp hỗ trợ bằng tay trong trường hợp nái có dấu hiệu không thể sinh nếu không được hỗ trợ. Sử dụng găng tay dài, chất bôi trơn, tiêm kháng sinh cho nái nếu phải can thiệp bằng tay.
  9. Cung cấp sữa non cho toàn bộ heo con mới sinh. Tăng cường chăm sóc những con yếu và nhẹ cân, những bầy heo có số lượng heo con sinh ra nhiều để đạt mục tiêu heo cai sữa cao.
  10. Trong vài ngày đầu sau khi sinh, cẩn thận quan sát nái và heo con để kịp thời phát hiện dấu hiệu bệnh hay nái sản xuất không đủ sữa hoặc ăn không đủ lượng thức ăn.
  11. Sau khi sinh, tăng lượng thức ăn ăn vào tối đa sơm nhất có thể.
  12. Để loại thải nái, nên lưu ý đến các yếu tố như: năng suất sinh sản, tính tình, các yếu tố kinh tế khác ... Thông thường, không khai thác nái quá 6 lứa.



Đăng ký nhận bài viết qua Email!

In bài nàyIn bài này Tải xuống dạng PDFTải định dạng PDF


Bản tin mới nhất

Download Tài Liệu CN-TY

 
Trang chủ | Về đầu trang ↑
Vetshop.VN® được thành lập năm 2013
Bản tin chăn nuôi | Chăm sóc chó mèo | Chẩn đoán bệnh | Bệnh trên heo | Bệnh chó mèo | Bệnh gà | Bệnh trâu bò
Thuốc thú y | Dụng cụ chăn nuôi | Thiết bị thú y | Tài liệu chăn nuôi thú y |
Quy trình chăn nuôi | Kỹ thuật thú y | Nuôi thú cưng | Thiết bị chuồng trại | Dụng cụ thú y | Kỹ thuật chăn nuôi | Sách chăn nuôi thú y