Bệnh Viêm Phổi Trên Heo Do Mycoplasma | Vetshop.VN


Bệnh Viêm Phổi Trên Heo Do Mycoplasma

Đăng bởi: | ngày: 11.9.13 Bình luận cho bài viết! | In bài này
Ảnh minh họa.
Phổi bị viêm do
Mycoplasma hyopneumoniae.
Bệnh viêm phổi do Mycoplasma, còn gọi là bệnh suyễn heo do vi khuẩn Mycoplasma hyopneumoniae (MH) gây ra. Đặc điểm của bệnh là ho kéo dài nhiều tuần, heo chậm lớn, sức kháng bệnh yếu. Nếu kết hợp với các vi trùng gây viêm phổi khác sẽ tạo nên tình trạng viêm phổi nặng với triệu chứng sốt cao, ho nhiều, khó thở. Mycoplasma được coi là nguồn gốc gây viêm đường hô hấp trên heo ở nước ta và các nước trên thế giới. Ở bài này sẽ trình bày tổng quan về đặc điểm, dịch tễ, cơ chế phát sinh, triệu chứng, phương pháp chẩn đoán, phương pháp phòng trừ, điều trị,… của bệnh này.

1. Lịch sử bệnh

Bệnh được phát hiện đầu tiên hiện thế giới vào năm 1907 và sau đó lan tràn nhanh. Hiện nay, bệnh hầu như xuất hiện khắp nơi. Năm 1933, Kobe (người Đức) phát hiện bệnh viêm phổi mãn tính trên heo và ông gọi là bệnh cúm heo. Nghiên cứu của Pullar (1948), Gulrajani và Beveridge (1951) đã mô tả đặc điểm của bệnh viêm phổi địa phương và phân biệt với bệnh cúm heo. Sau đó bệnh xuất hiện ở khắp các nước như Mỹ, Pháp, Thụy Sĩ, Hungari, Bỉ, Phần Lan, Trung Quốc, Nhật Bản và châu Phi (trích dẫn bởi Đỗ Tiến Duy, 2005).

Theo Mare và Switzer, Goodwin và ctv (1965) đã phân lập một loài Mycoplasma trên phổi heo bị viêm qua việc quan sát được sự hình thành khuẩn lạc trên môi trường nuôi cấy đặc biệt. Các tác giả này cũng thành công trong việc gây bệnh trên thú thí nghiệm. Từ đó các tác giả đặt tên cho loài Mycoplasma này là Mycoplasma hyopneumoniae (trích dẫn bởi Đỗ Tiến Duy, 2005).

Ở Việt Nam, bệnh được phát hiện vào những năm 1957 từ đàn heo ngoại nhập vào miền Bắc, sau đó lan tràn nhanh, tuy nhiên vào thời điểm đó chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh.

2. Các đặc điểm của Mycoplasma hyopneumoniae

Mycoplasma hyopneumoniae thuộc bộ Mycoplasmatales, họ Mycoplasmataceae, giống Mycoplasma. Kích thước khá nhỏ bằng khoảng 1/5 vi trùng (400 – 1200nm, bộ gene khoảng 893 – 920 kb (Tajima và ctv, 1982). Tế bào vi khuẩn không có vách chỉ có một lớp màng rất linh động, đây là đặc điểm gây nhiều khó khăn trong sản xuất vaccin. sống ký sinh ngoại bào. Vi khuẩn thuộc loại Gram âm, tuy nhiên không thể quan sát dưới kính hiển vi quang học.

Sức đề kháng: MH bị bất hoạt sau 48 giờ trong điều kiện khô, nhưng có thể tồn tại đến 17 ngày trong môi trường nước mưa ở nhiệt độ 2 – 7oC. Trong phổi tồn tại 2 tháng ở âm 25oC và từ 9 - 11 ngày ở nhiệt độ l – 6oC và chỉ 3 - 7 ngày ở nhiệt độ 17 – 25oC.

3. Dịch tễ học

Bệnh chủ yếu lây qua đường không khí qua các con đường sau:
  • Tiếp xúc trực tiếp giữa mẹ và heo con (mũi và mũi) thường heo mẹ là những thú mang trùng (carrier swine) mầm bệnh khu trú trong đường hô hấp, dễ dàng truyền lây sang heo con. Trên heo nuôi thịt, sự lây lan bệnh xảy ra trong đàn có heo mắc bệnh, sau cơn ho có rất nhiều hạt nhỏ, chất tiết lơ lửng trong không khí, heo khỏe mạnh hít phải sẽ mắc bệnh (Robert, 2003).
  • Mầm bệnh có thể phát tán qua không khí với đường kính lên đến 3 - 3,5 km. Đây là lý do chính gây nên sự nhiễm bệnh từ trại có bệnh sang trại chưa có bệnh. Bệnh do MH được xem là một bệnh có thời gian ủ bệnh khá dài (2 tuần) và sự truyền lây khá chậm. Tuy nhiên tỉ lệ nhiễm sẽ tăng theo độ tuổi. Khi được 20 tuần tuổi tỉ lệ nhiễm bệnh có thể lên tới 100% (Robert, 2003).

4. Cơ chế sinh bệnh

Sau khi theo đường hô hấp vào trong phế quản và tiểu phế quản, Mycoplasma hyopneumoniae bám lên tế bào lông rung nhờ vào protein 97 kDa, xâm lấn bề mặt tế bào biểu mô của lông rung (không xâm lấn vào tế bào chất) và phế nang làm phá hỏng hệ thống tiết dịch nhày, hư hại lông rung và biểu mô đường hô hấp. Kwon và ctv (2002) cho biết khi đã tìm thấy sự hiện diện của MH ở bề mặt tế bào biểu mô (kể từ ngày thứ 7 sau khi gây bệnh), phế nang và đại thực bào (kể từ ngày thứ 14 sau khi gây bệnh). Chính những tổn thương ở hệ thống lông rung và biểu mô tạo điều kiện cho sự kế phát các vi sinh vật khác. Sau đó MH phân tán độc tố làm ức chế đại thực bào ở phế nang (Robert, 2003). Độc tố còn tác động lên hệ thống miễn dịch đưa đến sự tăng sinh hạch bạch huyết quanh phế quản và tiểu phế quản. Tuy nhiên không có bằng chứng cho thấy sự xâm nhập của MH vào các tế bào lympho quanh tiểu phế quản (Kwon và ctv, 2002).

MH chỉ gây những tổn thương nhỏ và những biểu hiện cận lâm sàng khi nhiễm đơn độc nhưng khi kế phát các bệnh đường hô hấp khác triệu chứng và biểu hiện của bệnh kế phát sẽ trở lên trầm trọng hơn. Theo Amass và ctv (1994), khi nhiễm MH heo con sẽ trở lên nhạy cảm hơn với sự tấn công của Pasteurella multocida. Heo nhiễm kế phát virus PRRS (Porcine reproductive and respiratory syndrome) gây hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản trên heo sau khi nhiễm nguyên phát MH thì tổn thương ở phổi sẽ trầm trọng hơn so với heo nhiễm nguyên phát virus PRRS (Thacker và ctv, 1999). Yazawa và ctv (2004) cho biết tổn thương ở phổi của heo nhiễm MH và virus cúm heo sẽ trầm trọng hơn so với heo chỉ nhiễm MH (trích dẫn bởi C. Marois, 2007).

5. Triệu chứng

Thời kỳ nung bệnh thay đổi từ l - 2 hoặc 3 tuần, trung bình từ 10 - 16 ngày trong thiên nhiên, 5 - 12 ngày trong phòng thí nghiệm với 3 thể bệnh sau đây:

5.1. Thể mãn tính

Là thể bệnh chủ yếu, thường xuất hiện trên heo nuôi thịt. Triệu chứng chính là ho nhiều, với đặc điểm là ho khan, kéo dài trong nhiều tuần, không thấy có dấu hiệu chảy nước mũi và sốt. Thú tăng trọng hơi chậm, tăng chỉ số biến chuyển thức ăn. Thể mãn tính ít gây các triệu chứng điển hình do đó ít được các nhà chăn nuôi lưu ý, tuy nhiên thể bệnh này gây thiệt hại kinh tế lớn nhất do heo chậm lớn và tiêu tốn thức ăn cao.

5.2. Thể mang trùng

Hình 2.1. Heo con bị bệnh thở khó và ho khi vận động nhiều.
Hình 2.1. Heo con bị bệnh thở khó và ho khi vận động nhiều.
Thường xảy ra trên heo giống (heo nái, heo nọc) hoặc heo nuôi thịt có thời gian nuôi trên 6 tháng tuổi. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng mang trùng là do giai đoạn nuôi hậu bị các heo này đã nhiễm bệnh thể mãn tính. Khi heo lớn dần, vai trò gây bệnh của Mycoplasma cũng giảm bớt, từ đó dẫn đến hiện tượng mang trùng.

Hình 2.2. Heo bị bệnh lười vận động và thường nằm chụm vào nhau.
Hình 2.2. Heo bị bệnh lười vận động và thường nằm chụm vào nhau.
Hiện tượng mang trùng trên heo có thể kéo dài rất lâu: từ nhiều tháng đến nhiều năm (Goodwin, 1975) và là nguồn bệnh chính lây lan giữa nọc – nái hoặc giữa heo nái với heo con. Trên lâm sàng không thấy rõ các triệu chứng, thỉnh thoảng có những cơn ho nhẹ, thành tích sinh sản có xu hướng giảm thấp, tốc độ tăng trọng giảm thấp đến 15%.

5.3. Thể viêm phổi phức hợp

Thường hay xảy ra trên heo con giai đoạn sau cai sữa, sau khi đã nhiễm Mycoplasma vài tuần và điều kiện nuôi dưỡng không tốt, các vi khuẩn khác trong đường hô hấp phát triển gây phụ nhiễm làm trầm trọng thêm tình trạng viêm phổi với các triệu chứng: ho nhiều, thở nhanh, rất khó thở sau cơn ho, bệnh tiến triển trong 2 - 3 tuần thì giảm dần, tỉ lệ chết thấp nhưng tốc độ tăng trưởng rất chậm. Nếu cảm nhiễm nặng heo sẽ sốt cao, bỏ ăn, rất khó thở, tỉ lệ chết khoảng 20 – 25%. Các heo được chữa khỏi thường bị còi, bệnh tích viêm phổi tồn tại đến lúc giết mổ.

6. Bệnh tích

Theo Kwon và ctv (2002) mô tả bệnh tích đại thể trên heo bệnh viêm phổi địa phương gồm những vùng rắn chắc màu đỏ sậm đến tím. Bệnh tích thường xuất hiện ở vùng trung gian của thùy giữa và thùy đỉnh, thùy phụ và phần đỉnh của thùy hoành cách mô. Các vùng tổn thương có ranh giới rất rõ với các vùng khác (Robert, 2003). Trên những heo khác nhau mức độ và phạm vi tổn thương ở phổi cũng khác nhau. Dịch nhày trắng được tìm thấy ở khí quản, phế quản và tiểu phế quản, hạch lympho quanh phế quản, tiểu phế quản và quanh mạch máu triển dưỡng.

Hình 2.3. Bệnh tích trên phổi heo. (a) Phổi heo thịt; (b) Phổi heo con.
Hình 2.3. Bệnh tích trên phổi heo. (a) Phổi heo thịt; (b) Phổi heo con.
Hình 2.4. Bệnh tích nhục hóa đối xứng và viêm phổi dày đặc, cứng, nhạt màu. (a) Viêm phổi đối xứng; (b)Viêm phổi dày đặc, cứng, nhạt màu. (Nguồn: http://www.anova.com.vn)
Hình 2.4. Bệnh tích nhục hóa đối xứng và viêm phổi dày đặc, cứng, nhạt màu.
(a) Viêm phổi đối xứng; (b)Viêm phổi dày đặc, cứng, nhạt màu.
(Nguồn: http://www.anova.com.vn)
Khảo sát bệnh tích vi thể trên heo viêm phổi địa phương cho thấy một lượng lớn bạch cầu đơn nhân, bạch cầu đa hình thái và dịch phù tích trong phế nang và đường thở (Kwon và ctv, 2002). Có sự xâm nhiễm tế bào lympho vào trong các tiểu động mạch và tiểu tĩnh mạch (Whilestone, 1972).

7. Thiệt hại do MH gây ra

Do tỉ lệ mắc bệnh quá cao trong đàn với nhiều thể bệnh khác nhau, đặc biệt phổ biến là thể mãn tính. Ở Mỹ nhiều tài liệu công bố trên 90% các trại chăn nuôi có bệnh viêm phổi do Mycoplasma, tại các trại này có trên 30% heo nhiễm bệnh thể mãn tính, do ở thể này người chăn nuôi ít quan tâm đến việc phòng trị.

MH gây thiệt hại kinh tế rất lớn do:
  • Tăng chỉ số chuyển hóa thức ăn khoảng 10% (Muirhead, 1989). Trên nhiều đàn heo nhiễm bệnh chỉ số chuyển hóa thức ăn thực tế lên đến 3 so với đàn heo khỏe mạnh chỉ có 2,4 – 2,6.
  • Giảm tốc độ tăng trọng từ 12 – 15% (Pointon và ctv, 1985). Qua các tính toán về mối tương quan giữa các bệnh tích trên phổi với tăng trọng ngày, nhiều tài liệu công bố cứ bệnh tích phổi tăng lên 10% thì tăng trọng ngày giảm xuống 37,3 gam. Điều này làm kéo dài thời gian nuôi thịt hơn gần một tháng gây tốn kém tiền thuốc điều trị

8. Phòng bệnh và điều trị

8.1. Kháng sinh

Những kháng sinh có hiệu lực điều trị với Mycoplasma là Tetracycline, Tylosin và Tiamulin. Gần đây các chế phẩm của nhóm quynolone như norfloxaxin, daofloxaxin và enrofloxaxin cũng cho hiệu qủa điều trị tốt. Nên phối hợp các loại kháng sinh trên điều trị bệnh viêm phổi do Mycoplasma. Nếu điều trị sớm thì đạt được hiệu quả chữa bệnh cao.

Vaccine đã được tìm thấy để giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh, nhưng không ngăn chặn các bệnh xảy ra từ trong toàn bộ số lợn mắc bệnh (Haesebrouck và ctv, 2004, trích bởi Carlton L. Gyles).

8.2. Kiểm soát

Hiệu quả của các biện pháp phòng bệnh viêm phổi do Mycoplasma phụ thuộc rất nhiều vào các biện pháp quản lý đàn heo. Cần phải tạo được môi trường thuận lợi cho đàn heo như không khí sạch sạch sẽ, thông gíó thường xuyên, nhiệt độ ấm áp và mật độ heo trong chuồng vừa phải. Trong dãy chuồng không nên nuôi lẫn lộn các đàn heo có lứa tuổi cách nhau quá 3 tuần.

Ở các trại heo cung cấp giống, để xây dựng đàn heo không nhiễm Mycoplasma cần sử dụng kháng sinh liên tục cho con nái từ giai đoạn cuối quá trình mang thai cho đến khi cai sữa. Cai sữa sớm và nuôi cách ly những đàn con này trong điều kiện vệ sinh và nuôi dưỡng tốt. Trong quá trình nuôi cho đến khi trưởng thành phải kiểm tra thường xuyên bằng cách mổ khám kiểm tra bệnh tích phổi hoặc bằng huyết thanh học. Thực hiện thường xuyên biện pháp này sẽ tạo ra đàn heo giống không có bệnh viêm phổi do Mycoplasma gây ra.

9. Các phương pháp chẩn đoán MH

9.1. Chẩn đoán lâm sàng

Do biểu hiện bệnh không rõ ràng nên việc chẩn đoán dựa trên các dấu hiệu lâm sàng khá khó khăn. Bệnh tích nhục hóa đối xứng ở phổi khá đặc trưng nhưng không chuyên biệt vì cũng có thể do các tác nhân khác gây lên bệnh tích tương tự. Chẩn đoán bệnh cần phải phối hợp giữa quan sát lâm sàng, mổ khám và khảo sát bệnh lý giải phẩu tổ chức học và xét nghiệm kháng thể huỳnh quang.

Thông thường nếu đàn heo bị ho nhưng không sốt, ăn uống bình thường mà vẫn chậm lớn và khi mổ khám thấy hạch phổi sưng to, có bệnh tích viêm phổi dạng gan hóa xám một cách đối xứng ở rìa thùy tim và thùy đỉnh thì chúng ta có thể kết luận sơ bộ đó là viêm phổi do Mycoplasma gây ra. Do đó cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh tụ huyết trùng, cúm heo và giun phổi. Hai bệnh đầu thường có sốt cao và kèm theo các triệu chứng khác.

9.2. Chẩn đoán huyết thanh học

Có thể các biện pháp chẩn đoán huyết thanh học như phản ứng ngưng kết hồng cầu gián tiếp hay còn gọi là phản ứng IHA (Indirect Haemagglutination Test) nhưng theo Freeman (1984) thì độ tin cậy không cao do độ nhạy cảm thấp, phản ứng kết hợp bổ thể và ELISA. Phản ứng kết hợp bổ thể (Complement fixation – CF) được dung để xác định kháng thể trong giai đoạn sớm. Tuy nhiên phản ứng này có hạn chế, không phải là phương pháp tối ưu cho việc kiểm tra bệnh viêm phổi đại phương do thỉnh thoảng xảy ra dương tính không đặc hiệu hay âm tính giả (Nguyễn Thị Phước Ninh, 2006). Phương pháp ELISA gián tiếp với Tween 20 được thực hiện bởi Bommeli và Nicolet (1983) tỏ ra khá hữu hiệu khi loại trừ được phản ứng chéo với M. flocculave. Ngoài ra Okada và ctv (2004) đã đề nghị phương pháp double – sandwich ELISA bằng cách sử dụng kháng thể dơn dòng và kháng nguyên tái tổ hợp P46 của MH. Trần Thị Dân và ctv (2003) dùng kỹ thuật ELISA để xác định tuổi nhiễm MH và PRRS ở trại chăn nuôi heo đã chỉ ra rằng: tuổi nhiễm MH và virus PRRS xảy ra ở heo con sau 21 ngày tuổi khi heo mẹ có hoặc không nhiễm 2 vi sinh vật này.

9.3. Chẩn đoán bằng việc nuôi cấy phân lập

Theo Trần Thanh Phong (1996) việc nuôi cấy Mycoplasma vô cùng khó khăn, do nó đòi hỏi môi trường giàu dinh dưỡng, điều kiện nuôi cấy vô trùng nghiêm ngặt, khó mọc, mọc chậm và thường bị vấy nhiễm bởi các vi trùng khác hiện diện trên phổi. Tuy nhiên việc phân lập MH trên môi trường thạch Friis là việc làm vô cùng cần thiết và được xem là “tiêu chuẩn vàng” cho việc kết luận sự hiện diện của MH trên heo.

9.4. Chẩn đoán bằng kỹ thuật PCR

Kỹ thuật PCR cũng được nhiều nhà khoa học quan tâm. Người đặt nền móng trong việc ứng dụng kỹ thuật PCR chẩn đoán MH là Kary Mullis (1985). Tiếp theo đó là Mattson và ctv (1995) dùng kỹ thuật PCR để phát hiện nhanh chóng MH và đặc hiệu trong dịch mũi và nước rửa khí phế quản của phổi bệnh. Calsamiglia (1998) cho rằng phương pháp PCR có độ chính xác cao, ít tốn kém thời gian, và không phụ thuộc vào sự sống hay chết của MH (Trích dẫn bởi Nguyễn Tất Toàn, 2004). Phương pháp nested PCR do Verdin và ctv (2000) đề nghị cho phép phát hiện và định lượng được MH bằng cách tiến hành đồng thời 2 phương pháp realtime – PCR và PCR (Trích dẫn bởi Đặng Thị Thu Hường, 2005).

9.5. Chẩn đoán bằng kỹ thuật ELISA (Enzyme Linked Immunosorbent Assay)

Phương pháp truyền thống trước đây để chẩn đoán MH là phản ứng kết hợp bổ thể, phản ứng ngưng kết hồng cầu gián tiếp và gần đây hơn là phản ứng ELISA gián tiếp. Bộ kít HerdChek* M hyo enzyme immunoassay (EIA) dựa trên kỹ thuật ELISA gián tiếp phát hiện kháng thể chống MH trong huyết thanh heo một cách nhanh chóng, đơn giản, độ nhạy và độ đặc hiệu cao do sử dụng kháng thể đơn dòng.
Trong kỹ thuật này các kháng nguyên đã biết trước được gắn trên giá thể (các giếng của vỉ nhựa polystyrene hoặc màng lai…), dung dịch mẫu chẩn đoán và đối chứng được cho vào các giếng, ủ trong điều kiện nhiệt độ và thời gian nhất định (tuỳ theo bộ kít của nhà sản xuất), sau đó mẫu ủ được rửa và cho tác dụng với kháng kháng thể có gắn enzyme, lại ủ mẫu trong điều kiện nhiệt độ và thời gian nhất định, rửa mẫu và cuối cùng cơ chất tương ứng với enzyme được cho vào giếng chứa mẫu. Phản ứng giữa enzyme và cơ chất tương ứng nếu xảy ra sẽ tạo màu và cường độ tạo màu sẽ tỷ lệ thuận với lượng kháng thể có trong mẫu đặc hiệu với kháng nguyên đã biết. Kết quả của phản ứng ELISA được đọc tuỳ theo loại tác nhân chẩn đoán và tuỳ theo hãng sản xuất bộ hoá chất sử dụng (Nguyễn Ngọc Hải, 2007).

10. Một số nghiên cứu trong và ngoài nước về MH

  1. Trần Thị Dân và ctv (2003) dùng kỹ thuật khuếch đại gen (PCR) để phát hiện MH ở phổi heo.
  2. Trần Thị Dân và ctv (2005) xác định tuổi nhiễm và các phương pháp phát hiện MH, virus PRRS ở trại nuôi heo.
  3. Nguyễn Thị Phước Ninh (2003) nghiên cứu hiệu quả của vaccine Respisure trong việc phòng bệnh viêm phổi địa phương do MH trên heo thịt.
  4. Nguyễn Tất Toàn (2004) thực hiện so sánh và đánh giá các phương pháp chẩn đoán như phân lập, PCR, bệnh lý lâm sàng trên heo nhiễm MH trong các trại chăn nuôi heo vùng Luzon, Philippines.
  5. Nguyễn Thị Ngọc Hạnh (2002) điều tra tỷ lệ nhiễm MH trên heo bằng kỹ thuật ELISA tại hai xí nghiệp chăn nuôi heo công nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh.
  6. Quách Tuyết Anh (2003) đưa ra một số kinh nghiệm trong việc ứng dụng kỹ thuật PCR để phát hiện MH trên mẫu bệnh tích phổi nhục hóa.
  7. Đỗ Tiến Duy (2004) chẩn đoán MH dựa vào bệnh tích đại thể, vi thể, và kỹ thuật ELISA trên heo thịt giết mổ tại xí nghiệp chế biến thực phẩm Nam Phong Tp. HCM.
  8. Vân Minh Tâm (2005) chẩn đoán MH trên heo thịt được thu thập tại xí nghiệp chế biến thực phẩm Nam Phong Tp.HCM.
  9. Lê Văn Thuận (2005) đánh giá hiệu quả sử dụng vaccine M+PAC trong việc phòng bệnh do MH trên heo thịt.
  10. Nguyễn Thị Phước Ninh (2006) và ctv đã phân lập MH và một số vi khuẩn liên quan đến bệnh hô hấp trên phổi heo.
  11. Đặng Thị Thu Hường (2005) nghiên cứu phát hiện nhiễm Mycoplasma hyopneumoniae và Actinobacillus pleuropneumoniae ở heo bằng phương pháp PCR và ELISA.
  12. Võ Thị Hoàng Sang (2006) thực hiện phân lập MH trên phổi heo được thu thập tại xí nghiệp chế biến thực phẩm Nam Phong Tp.HCM.
  13. Nguyễn Thành Lâm (2005) khảo sát bệnh tích trên phổi và ứng dụng kỹ thuật PCR để phát hiện MH trên heo thịt tại xí nghiệp chế biến thực phẩm Nam Phong Tp.HCM.
  14. Trần Văn Trường (2009) chẩn đoán Mycoplasma hyopneumoniae trên 3 loại mẫu bệnh: mẫu phổi nghi nhiễm MH trên heo thịt, mẫu dịch mũi, mẫu dịch hầu họng trên heo sơ sinh từ 2 – 60 ngày tuổi bằng kỹ thuật PCR và ELISA
  15. 10.2. Nghiên cứu ngoài nước
  16. Mare, Switer và Goodwin (1965) là những người đầu tiên phân lập Mycoplasma từ phổi heo bị viêm và gây bệnh thực nghiệm.
  17. Bruggemann và ctv (1977) đã phát hiện MH trong phổi heo bệnh bằng kỹ thuật miễn dịch enzyme gắn peroxidase.
  18. Nicolet và ctv, 1980; Bommeli và Nicolet, 1983 đã phát triển kỹ thuật ELISA gián tiếp với Tween 20 để phát hiện kháng thể chống MH.
  19. Zimmermann và ctv, 1986 sử dụng Tween 20 ELISA tìm thấy 56% heo dương tính trong thời gian giữa tháng tuổi thứ 4 đến tháng 8, tỉ lệ này giảm đến 26 – 28% lúc 8 – 12 tháng tuổi.
  20. Mattson và ctv, 1995 dùng kỹ thuật PCR để phát hiện MH nhanh chóng và đặc hiệu trong chất mũi và nước rửa khí quản của phổi bệnh.
  21. Stemke, 1997 dùng kỹ thuật PCR để phát hiện MH từ mẫu phổi heo không bệnh tích tại lò mổ với độ nhạy và độ chuyên biệt cao.
  22. Kwon và ctv, 2002 gây nhiễm MH cho heo để theo dõi diễn tiến bệnh và xác định vị trí MH xâm lấn bằng phương pháp lai tại chỗ.
  23. Robert, 2003 cho biết tỷ lệ nhiễm ở heo 20 tuần tuổi là 45% và ở heo 24 tuần tuổi là 100% thông qua test Tween 20 ELISA.
  24. Leon và ctv, 2000 dùng phương pháp ELISA để phát hiện sự chuyển đổi huyết thanh của heo nhiễm MH qua từng lứa tuổi.
  25. Carlos và Euduador, 2004 dùng kỹ thuật nested – PCR để đánh giá tỷ lệ nhiễm MH ở heo cai sữa (từ dịch mũi) và heo đã giết mổ (từ dịch rửa phế quản).
  26. Trong cuộc điều tra trên 597 đàn heo giống vào các tuổi khác nhau ở Iowa, Young và ctv (1983) bằng phương pháp kết hợp bổ thể đã phát hiện kháng thể chống MH trên 60% đàn khảo sát.
  27. Zhang và ctv (1995) đã chứng minh có ít nhất 2 loại protein cho quá trình kết bám, đó là protein 97 và 145 kDa trên màng tế bào. Chen và ctv (1996) tìm thêm 2 loại protein 28,5 và 57 kDa cạnh tranh liên kết giữa MH vói nhung mao của vật chủ.
  28. Lin (1999) dùng kỹ thuật PCR khuếch đại vùng R1 chứa gene P97 adhensin trong DNA nhiễm sắc thể của những dòng MH trong tự nhiên ở Mỹ để tìm ra kích thước đặc trưng của DNA cho mỗi dòng.
  29. Tài liệu tham khảo
  30. Trần Thị Dân, Hồ Thị Kim Hoa, Nguyễn Phước Ninh, Quách Tuyết Anh, Lê Minh Hồng Anh, Nguyễn Ngọc Tuân, 2003. Dùng kỹ thuật khuếch đại gen (PCR) để phát hiện Mycoplasma hyopneumoniae ở phổi heo. Tạp chí khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp số 3, trang 75 -78. Đại Học Nông Lâm TP.HCM.
  31. Trần Thị Dân, Trần Thị Bích Liên, Nguyễn Thị Phước Ninh, Nguyễn Ngọc Tuân, Đỗ Tiến Duy, Nguyễn Ngọc Hải, Nguyễn Văn Khanh, 2005. Xác định tuổi nhiễm và các phương pháp phát hiện Mycoplasma hyopneumoniae, virus PRRS ở trại chăn nuôi heo. Tạp chí khoa hoc kỹ thuật Nông Lâm nghiệp số 2 và 3, trang 257 – 260. Đại học Nông Lâm TP.HCM.
  32. Nguyễn Thị Phước Ninh, Đỗ Tiến Duy, Nguyễn Tất Toàn, Nguyễn Ngọc Tuân, Trần Thị Dân, 2006. Phân lập Mycoplasma hyopneumoniae và một số vi khuẩn liên quan đến bệnh hô hấp trên phổi heo. Tạp chí khoa học kỹ thuật thú y số 3, trường Đại Học Nông Lâm TP.HCM.
  33. Calsamiglia, M., J., Collins E., 2000. Correlation between te presence of enzootic pneumoniae lesions and detection ofMycoplasma hyopneumoniae in bronchial swabs by PCR. Journal of Veterinary Microbiology 76: 299 – 303.
  34. Kwon D., Choi C., and Chae C., 2002. Chronologic Localization of Mycoplasma hyopneumoniae in Experimentally Infected Pigs. Vet Pathol 39:584–587.
  35. Stemke G.W., 1997. Gene amplification (PCR) to detect and differentiate mycoplasma in porcine mycoplasmal pneumoniae.The Society for Applied Bacteriology 25: 327 – 330.
  36. Tajima, M., Yagihashi, T., 1982. Interaction of Mycoplasma hyopneumoniae with the porcine respiratory epithelium as observed by electron microscopy. Infect. Immun, 37: 1162 - 1169.
  37. Thacker Eileen L., 2002. Mycoplasma diagnosis and immunity. Proceedings American Association of swine veterinarians. p. 467 – 493.
  38. Thacker E.L., Thacker B.J., 2000. Vaccination as a means of controlling Mycoplasma hyopneumoniae. In Proc. Of Allen D. Leman Swine Conference. p.84-86.
  39. Whittlestone, P., Ross, R.F., 1983. Recovery of, identification of, and serological response to porcine Mycoplasma. In: Methods in Mycoplasmology. Tully, J.G., Razin, S. (Eds.). Academic Press, New York 2: 115 - 127.
  40. Whithear K. L., Browning G. F., 2004. Mycoplasma. In: Pathogenesis of Bacterial Infections in Animals. Carlton L. Gyles, John F. Prescott, J. Glenn Songer, Charles O. Thoen. Blackwell Publishing, pp. 397 – 414.
  41. Zhang, Q., Young, T.F., Ross, R.F., 1995. Identification and characterization of a Mycoplasma hyopneumoniae adhesin.Infect. Immun. 63: 1013 - 1019.
  42. Tài liệu internet
  43. http://en.wikipedia.org/wiki/Mycoplasma_hyopneumoniae
  44. http://microvet.arizona.edu
Theo: http://www.vbs.ac.vn



Đăng ký nhận bài viết qua Email!

In bài nàyIn bài này Tải xuống dạng PDFTải định dạng PDF


Bản tin mới nhất

Download Tài Liệu CN-TY

 
Trang chủ | Về đầu trang ↑
Vetshop.VN® được thành lập năm 2013
Bản tin chăn nuôi | Chăm sóc chó mèo | Chẩn đoán bệnh | Bệnh trên heo | Bệnh chó mèo | Bệnh gà | Bệnh trâu bò
Thuốc thú y | Dụng cụ chăn nuôi | Thiết bị thú y | Tài liệu chăn nuôi thú y |
Quy trình chăn nuôi | Kỹ thuật thú y | Nuôi thú cưng | Thiết bị chuồng trại | Dụng cụ thú y | Kỹ thuật chăn nuôi | Sách chăn nuôi thú y